Việc tuyển sinh TCCN sẽ diễn ra sau thời gian tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, các trường TCCN đón mùa tuyển sinh năm nay trong tâm trạng lo lắng, trước sự sụt giảm quá mạnh số lượng học sinh tuyển mới của kỳ tuyển sinh năm 2013 trước đó.
Thống kê của Bộ GD-ĐT được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014 – 2015 diễn ra ngày 30/7 cho thấy: Trong 4 năm gần đây, quy mô học sinh hệ TCCN có xu hướng giảm. Nhưng tới năm 2013, số lượng học sinh tuyển mới đã giảm “sốc” – Quy mô học sinh năm học 2013 – 2014 là 485.631 học sinh, giảm hơn 130 nghìn học sinh so với năm học 2012 – 2013.
Công tác tuyển sinh TCCN gặp rất nhiều khó khăn, kết thúc năm 2013, số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo TCCN chỉ đạt 49,5% (180.389 học sinh) so với chỉ tiêu được xác định. Nhiều cơ sở đào tạo tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt trong đó có 38 trường đã được thông báo chỉ tiêu năm 2013 nhưng không tuyển được học sinh.
Mặc dù đã được đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào TCCN được Bộ GD-ĐT tự nhìn nhận là “rất yếu kém”. Số thí sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào học TCCN là 17.885 học sinh, chiếm 10% và liên tục giảm trong 4 năm trở lại đây…
Cụ thể hơn, một địa phương lớn từng rất phát triển hệ TCCN là TPHCM, cho tới năm 2011 đã gần đạt mức tuyển sinh 40 học viên TCCN/ năm, thì năm 2012 bắt đầu chững lại và giảm, xuống còn 36 nghìn học viên. Nhưng mùa tuyển sinh năm 2013 thì giảm hẳn, chỉ tuyển được 26,8 nghìn học viên.
Một địa phương khác là Hà Nội, có số lượng tuyển được năm 2013 là gần 22 nghìn học viên, bằng 64,9% so với chỉ tiêu được giao, và giảm 8,6% – tương đương hơn 4,8 nghìn học viên – so với năm 2012.
Theo ông Hoàng Văn Bình, phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, “Cơ hội cho học sinh học đại học hiện nay rất cao. Mục tiêu của gia đình là cho con học đại học. Mục tiêu của các trường phổ thông là càng nhiều học sinh vào ĐH, CĐ càng tốt. Các địa phương cũng đưa ra các tiêu chí đánh giá, tuyển chọn chủ yếu ở trình độ đại học… Vậy thì ai còn học TCCN”.
Tuy nhiên, thứ trưởng Trần Văn Ga lại cho rằng không phải đại học đã hút hết ngồn tuyển của TCCN: “Chỉ một vài trường đại học nhóm trên là tuyển sinh dễ dàng, còn các trường đại học nhóm dưới rất chật vật. Số lượng học sinh phổ thông vào đại học hàng năm chỉ khoảng 300 nghìn sinh viên. Hàng năm có hơn 900 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT. Chúng ta tính được tỉ lệ sinh hàng năm, số lượng thí sinh tốt nghiệp THPT hằng năm, số lượng vào đại học hàng năm… Số đi du học và đi xuất khẩu lao động cũng không lớn lắm. Vì vậy, phải trả lời được câu hỏi học sinh đi đâu? Vì sao các em không học? Hay là học không được gì mà còn tốn kém thêm?
Xử lý tận gốc những câu hỏi này mới tuyển sinh được, chứ không phải do đại học”.
Học sinh đã đi đâu mà không vào TCCN? – Câu hỏi này được nêu ra tại hội nghị nhưng… không có đáp án cuối cùng.
Làm sao thoát cảnh “nhà nghèo khóc giữa chợ”?
Để thu hút học sinh vào TCCN, đại diện đến từ TPHCM cho rằng có thể phải tính đến phương án miễn học phí hoặc giảm 50% học phí cho học sinh TCCN.
“Xem lại toàn bộ hệ thống giáo dục để sắp xếp các bậc học thống nhất cao từ mầm non cho tới đại học” là một trong những đề xuất của ông Bình để “cứu” TCCN. Theo ông Bình, các bậc học có mối quan hệ hữu cơ với nhau, nếu không đầu tư tổng thể một cách khoa học, mà để mất đi một mắt xích nào đó, sẽ rất nguy hiểm.
Ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị Bộ GD-ĐT và các ban ngành chức năng sớm cung cấp thông tin về khung trình độ của ASEAN: “Đến năm 2015 hội nhập ASEAN mà đến bây giờ chưa biết chuẩn nghề nghiệp của ASEAN như thế nào, thì các trường biết chiếu vào đâu để đào tạo đạt yêu cầu?”.
“Những trường TCCN lớn nên tách ra, phát triển thành trường cao đẳng 2 năm. Học xong trường CĐ này có thể học liên thông luôn lên đại học kỹ thuật. Như vậy mới tiết kiệm và tiến nhanh được” – một đề xuất khác của ông Đại nhận được nhiều sự đồng tình từ cán bộ quản lý các trường.
Một đề xuất nữa được ông Đại đưa ra là “Hãy đầu tư xứng đáng để cạnh tranh”. Rút ra bài học từ giáo dục phổ thông – đầu tư cho chất lượng xứng đáng luôn luôn có người học, ông Đại cho rằng “Bây giờ chúng ta không làm được sau này hội nhập ASEAN có thể có những trường mạnh khác trong khu vực sẽ vào tham gia và chiếm lĩnh thị trường đào tạo này”.
“Nhà nghèo khóc giữa chợ không ai hỏi. Nhà giàu ở tận miền núi xa xôi người ta vẫn đến chơi. Các cụ đã dạy thế rồi. Trường có đẹp long lanh ở ngay giữa thủ đô mà người dân không cần đến thì cũng không tồn tại được” – ông Đại kết luận.
Theo VNN
Càng tìm cách phân luồng, học sinh càng… mất hút
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi