Cài app vào điện thoại kiếm tiền miễn phí - đừng bỏ lỡ, Bấm vào đây Ôn thi vào 10 Ngữ văn: Đề thi vào 10 Hà Nội năm 2009 có đáp án - Inluon - Sáng kiến kinh nghiệm-Nghiên cứu KHSPUD in luôn0Cars - Auto in USA

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


NĂM HỌC 2009-2010, KHÓA NGÀY 24-6-2009


MÔN THI: NGỮ VĂN (Hà Nội)


(Thời gian làm bài: 120  phút, không kể thời gian giao đề)


 


Phần I (4 điểm):


Cho đoạn văn sau: (…) “Gian khổ nhất là là lần ghi vào báo về lúc một giờ sáng. Rét bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay ra tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vấn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vươn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: Nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung.” (…). (Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long – sách Ngữ văn 9, tập 1).



Câu 1: Đoạn văn trên là lời của nhân vật nào, được nói ra trong hoàn cảnh nào? Những lời tâm sự đó giúp em hiểu gì về hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật? Ngoài khó khăn được nói đến trong đoạn trích trên, hoàn cảnh sống của nhân vật còn có điều gì  đặc biệt?


 


Câu 2: Bằng hiểu biết của em về tác phẩm, hãy cho biết: Trong hoàn cảnh ấy, điều gì đã giúp nhân vật trên sống yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ?


 


Câu 3: Chỉ ra một câu có sử dụng phép nhân hóa trong đoạn văn trên.


Phần II (6 điểm):


Hình ảnh mùa xuân được khắc hoạ thật đẹp trong đoạn thơ sau:


“Mọc giữa dòng sông xanh


Một bông hoa tím biếc


Ơi con chim chiền chiện


Hót chi mà vang trời


Từng giọt long lanh rơi


Tôi đưa tay tôi hứng”


Câu 1: Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào, của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời tác phẩm ấy?


Câu 2: Dựa vào đoạn thơ trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 10-12 câu theo cách lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp, trong đó có sử dụng phép nối và một câu chứa thành phần tình thái với chủ đề: vẻ đẹp của mùa xuân, thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy (gạch dưới thành phần tình thái và những từ ngữ dùng làm phép nối).


Câu 3: Cũng trong bài thơ trên có câu:


“Mùa xuân người cầm súng


Lộc giắt đầy trên lưng”


Trong câu thơ trên từ “lộc” được hiểu như thế nào? Theo em, vì sao hình ảnh “người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng”?


 ĐÁP ÁN


[NOIDUNGAN]


 


Phần 1 (4 điểm):


 


Câu 1: Đoạn văn là lời của nhân vật thanh niên, nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long kể về công việc làm của mình cho ông họa sĩ già và cô kỹ sư nông nghiệp trẻ, qua lời giới thiệu của bác lái xe, lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét trong thời gian  ba mươi phút.


 


- Những lời tâm sự đó giúp em hiểu: Nhân vật thanh niên đó sống một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi ở Sa Pa.


 


Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, chiến đấu. Anh lấy những con số, mỗi ngày báo về  “nhà” bằng báo bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Công việc anh thanh niên kể trong đoạn văn là ghi báo về những con số lúc một giờ sáng trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt.


 


- Ngoài khó khăn được nói đến trong đoạn trích trên, hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật còn có điều đặc biệt là: Anh thanh niên mới có hai mươi bảy tuổi, cái tuổi đang hừng hực sức sống và sự bay nhảy. Thế mà, anh đã sống một mình trong suốt bốn năm trên đỉnh Yên Sơn. Trong bốn năm đó, ông họa sĩ và cô gái trẻ là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà anh. Như vậy, cái gian khổ nhất đối với anh là phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ có một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người. Công việc của anh làm âm thầm, lặng lẽ một mình, báo về “ốp” đều đặn những con số để phục vụ sản xuất, chíên đấu. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác, có tính trách nhiệm cao.


 


Câu 2: Trong hoàn cảnh sống và làm việc đặc biệt ấy, điều đã giúp nhân vật anh thanh niên sống yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ là:


 


- Trước hết, anh thanh niên rất yêu nghề. Anh có những suy nghĩ đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người: “…Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.


 


- Anh thấy được công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh đã thấy mình “thật hạnh phúc” khi được biết một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng.


 


- Cuộc sống của anh không cô đơn, buồn tẻ, anh không phải là “người cô độc nhất thế gian” như lời giới thiệu của bác lái xe. Vì anh có một nguồn vui khác nữa ngoài công việc: Đó là niềm vui đọc sách mà lúc nào anh thấy cũng như có người bạn để trò chuyện.


 


- Anh bíêt tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thạt ngăn nắp, chủ động: Nuôi gà, trồng hoa, tự học và đọc sách ngoài giờ làm việc


 


Câu 3: Chép một trong hai câu có sử dụng phép nhân hóa trong đoạn văn:


 


- “ Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”.


 


- Hoặc là câu “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: Nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả ném vứt lung tung”.


 


Phần II (6 điểm):


 


Hình ảnh mùa xuân được khắc hoạ thật đẹp trong đoạn thơ sau:


 


“Mọc giữa dòng sông xanh


Một bông hoa tím biếc


Ơi con chim chiền chiện


Hót chi mà vang trời


Từng giọt long lanh rơi


Tôi đưa tay tôi hứng”


 


Câu 1: Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải.


 


Bài thơ được viết vào tháng 11-1980, không bao lâu trước khi tác giả qua đời, thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện được cống hiến của tác giả.


 


Câu 2: Đoạn văn viết phải đảm bảo được những yêu cầu sau:


 


a. Về hình thức: Là đoạn văn tổng – phân – hợp, đúng số câu dề bài quy định (khoảng từ 10-12 câu), không sai lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, chữ viết sạch sẽ, rõ nét.


 


b. Về nội dung:


 


- Câu mở đoạn: Giới thiệu khổ thơ nằm ở phần đầu bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.


 


- Ý chính: Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của mùa xuân xứ Huế và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy.


 


- Thân bài: Đảm bảo được rõ hai mạch ý:


 


- Ý 1: Mùa xuân thiên nhiên xứ Huế được miêu tả qua vài nét khắc hoạ: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời.


 


Qua vài nét khắc hoạ nhưng tác giả vẽ ra được cả không gian mênh mông, cao rộng cùa dòng sông xanh, hoa tím biếc – màu tím đặc trưng cho xứ Huế; cả âm thanh rộn rã của chim chiền chiện hót vang trời vọng từ trên cao, bông hoa mọc lên từ nước, giữa dòng sông xanh. Bức tranh xuân còn tràn trề sức sống được thể hiện qua nghệ thuật đảo ngữ. Từ “Mọc” lên trước chủ ngữ và đứng đầu khổ thơ.


 


- Ý 2: Cảm xúc của tác giả sâu sắc, say xưa, ngây ngất trước vẻ đẹp tươi sáng tràn trề sức sống của mùa xuân được bộc lộ qua lời gọi, lời gọi chim “Ơi”, “hót chi”; qua sự chuyển đổi cảm giác, cảm nhận âm thanh tiếng chim từ chỗ:  cảm nhận âm thanh bằng thính giác chuyển thành “từng giọt”, có hình, khối, cảm nhận bằng thị giác. “Từng giọt long lanh” ấy có ánh sáng, màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác: “Tôi đưa tay tôi hứng”.


 


Kết đoạn: Hình ảnh mùa xuân được khắc hoạ thật đẹp ở khổ 1 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, được viêt vào tháng 11, thời tiết lúc đó là mùa đông giá rét. Tác giả đang bị bệnh nặng, chỉ hơn một tháng ông qua đời. Vì vậy qua khổ thơ, bạn đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ – người có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


 


c. Về ngữ pháp:


 


- Sử dụng đúng, thích hợp thành phần tình thái và phép nối trong đoạn.


 


- Gạch chân, chú thích rõ ràng thành phần tình thái được sử dụng trong một câu và những từ ngữ dùng làm phép nối trong đoạn văn


 


Câu 3: Từ “lộc” trong câu thơ là từ có tính nhiều nghĩa.


 


- Nghĩa chính: là những mầm non nhú lên ở cây khi mùa xuân đến.


 


Nghĩa chuyển: sức sống, sức phát triển của đất nước, với nhiệm vụ bào vệ đất nước trong những ngày đầu xuân.


 


- Hình ảnh “Người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng” là vì: Trên đường hành quân, trên lưng người lính lúc nào cũng có những cành lá để nguỵ trang, trên đó có những lộc non mới nhú lên khi mùa xuân đến. Với nghĩa chuyển của từ “lộc”, ta cảm  nhận anh bộ đội như mang trên mình mùa xuân của đất nước. Anh cầm súng để bảo vệ mùa xuân tươi đẹp đó. Cách diễn đạt sức sống của một đất nước vào mùa xuân với nhiệm vụ lớn lao: Bảo vệ đất nước thật cụ thể và sinh động.


 


Người giải đề thi: PHẠM THỊ TÚ ANH


[/noidungan]



Ôn thi vào 10 Ngữ văn: Đề thi vào 10 Hà Nội năm 2009 có đáp án

0 comments Blogger 0 Facebook

Post a Comment

Cám ơn bạn đã phản hồi


Subscribe to: Posts (Atom)

 
Inluon - Sáng kiến kinh nghiệm-Nghiên cứu KHSPUD in luôn0Cars - Auto in USA ©Email: Inluon@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Cars-Auto|Car-Auto|Loans|Loans|Loans|dayvahoctot|
Top