Cài app vào điện thoại kiếm tiền miễn phí - đừng bỏ lỡ, Bấm vào đây Ôn thi vào 10 Ngữ văn: Truyện Kiều - Nguyễn Du - Inluon - Sáng kiến kinh nghiệm-Nghiên cứu KHSPUD in luôn0Cars - Auto in USA

TRUYỆN KIỀU

Nguyễn Du




A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tác giả Nguyễn Du

- Tác giả Nguyễn Du (1765 – 1820)

- Tên chữ là Tố Như

- Hiệu là Thanh Hiên

- Quê ở làng Tiên Điền – huyện Nghi Xuân – tỉnh Hà Tỹnh

- Sáng tác nhiều tác phẩm chữ Hán và chữ nôm.

+ 3 tập thơ chữ Hán gồm 243 bài.

+ Tác phẩm chữ Nôm xuất sắc nhất là Đoạn trường tân thanh thường gọi là Truyện Kiều.

Hãy nêu những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du đã có ảnh hưởng tới việc sáng tác Truyện Kiều.

a. Thời đại:

Nguyễn Du sinh trưởng trong một thời đại có nhiều biến động dữ dội, xã hội phong kiến Việt Nam khủng hoảng sâu sắc, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra liên tục, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã “Một phen thay đổi sơn hà”. Nhưng triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, triều Nguyễn lên thay. Những thay đổi kinh thiên động địa ấy tác động mạnh tới nhận thức tình cảm của Nguyễn Du để ông hướng ngòi bút của mình vào hiện thực, vào “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

b. Gia đình:

Gia đình Nguyễn Du là gia đình đại quý tộc nhiều đời làm quan và có truyền thống văn chương. Nhưng gia đình ông cũng bị sa sút. Nhà thơ mồ côi cha năm 9 tuổi, mồ côi mẹ năm 12 tuổi. Hoàn cảnh đó cũng tác động lớn tới cuộc đời Nguyễn Du.

c. Cuộc đời:

Nguyễn Du có năng khiếu văn học bẩm sinh, ham học, có hiểu biết sâu rộng và từng trải, có vốn sống phong phú với nhiều năm lưu lạc, tiếp xúc với nhiều cảnh đời, nhiều con người số phận khác nhau. Ông từng đi sứ sang Trung Quốc, qua nhiều vùng đất Trung Hoa rộng lớn với nền văn hoá rực rỡ. Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng tới sáng tác của nhà thơ.

Nguyễn Du là con người có trái tim giàu lòng yêu thương. Chính nhà thơ đã từng viết trong Truyện Kiều “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mộng Liên Đường Chủ Nhân trong lời Tựa Truyện Kiều cũng đề cao tấm lòng của Nguyễn Du với con người, với cuộc đời: “Lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột…”. Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy.

Về sự nghiệp văn học của Nguyễn Du:

- Sáng tác nhiều tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm.

+ 3 tập thơ chữ Hán gồm 243 bài.

+ Tác phẩm chữ Nôm có Văn chiêu hồn, xuất sắc nhất là Đoạn trường tân thanh thường gọi là Truyện Kiều.

II. Tác phẩm truyện Kiều

1. Nguồn gốc và sự sáng tạo:

- Xuất xứ Truyện Kiều:

* Viết Truyện Kiều Nguyễn Du có dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).

* Tuy nhiên phần sáng tạo của Nguyễn Du là hết sức lớn, mang ý nghĩa quyết định thành công của tác phẩm:

- Nội dung: Từ câu truyện tình ở TQ đời Minh biến thành một khúc ca đau lòng thương người bạc mệnh (vượt xa Thanh Tâm Tài Nhân ở tinh thần nhân đạo).

- Nghệ thuật:

+ Thể loại: Chuyển thể văn xuôi thành thơ lục bát – thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc gồm 3254 câu.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả thiên nhiên, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình.

+ Ngôn ngữ: Truyện Kiều đạt tới đỉnh cao của ngôn ngữ nghệ thuật.

2. Hoàn cảnh: Sáng tác vào thế kỷ XIX (1805-1809)

3. Thể loại: Truyện Nôm: loại truyện thơ viết bằng chữ Nôm. Truyện có khi được viết bàng thể thơ lục bát. Có hai loại truyện Nôm: truyện nôm bình dân hầu hết không có tên tác giả, được viết trên cơ sở truyện dân gian; truyện Nôm bác học phần nhiều có tên tác giả, được viết trên cơ sở cốt truyện có sẵn của văn học Trung Quốc hoặc do tác giả sáng tạo ra. Truyện Nôm phát triển mạnh mẽ nhất ở nửa cuối thể ký XVIII và thế kỷ XIX.

4. Ý nghĩa nhan đề:

Truyện Kiều có 2 tên chữ bán và 1 tên chữ nôm.

- Tên chữ hán: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: tên của 3 nhân vật trong truyện: Kim Trọng, Thuý Vân, Thuý Kiều.

Đoạn trường tân thanh: tiếng kêu mới về nỗi đau thương đứt ruột: bộc lộ chủ đề tác phẩm (tiếng kêu cứu cho số phận người phụ nữ).

- Tên chữ nôm: Truyện Kiều: Tên nhân vật chính – Thuý Kiều (do nhân dân đặt).

5. Tóm tắt Truyện Kiều.

a. Phần thứ nhất: Gặp gỡ và đính ước.

Vương Thuý Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, con gái đầu lòng một gia đình trung lưu lương thiện, sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che” bên cạnh cha mẹ và hai em là Thuý Vân, Vương Quan. Trong buổi du xuân nhân tiết Thanh minh, Kiều gặp chàng Kim Trọng “phong tư tài mạo tót vời”. Giữa hai người chớm nở một mối tình đẹp. Kim Trọng dọn đến ở trọ cạnh nhà Thuý Kiều. Nhân trả chiếc thoa rơi, Kim Trọng gặp Kiều bày tỏ tâm tình. Hai người chủ động, tự do đính ước với nhau.

b. Phần thứ hai: Gia biến và lưu lực

Trong khi Kim Trọng về Liêu Dương chịu tang chú, gia đình Kiều bị mắc oan. Kiều nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng còn nàng thì bán mình chuộc cha. Nàng bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, đẩy vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh – một khách làng chơi hào phóng – cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Nhưng rồi nàng lại bị vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư ghen tuông, đầy đoạ. Kiều phải trốn đến nương nhờ nơi cửa Phật. Sư Giác Duyên vô tình gửi nàng cho Bạc Bà – một kẻ buôn người như Tú Bà, nên Kiều lần thứ hai rơi vào lầu xanh. Tại đây, nàng gặp Từ Hải, một anh hùng đội trời đạp đất. Từ Hải lấy Kiều, giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến. Từ Hải bị giết. Kiều phải hầu đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến rồi ép gả cho viên thổ quan. Đau đớn, tủi nhục, nàng trẫm mình ở sông Tiền Đường và được sư Giác Duyên cứu, lần thứ hai Kiều nương nhờ cửa Phật.

c. Phần thứ ba: Đoàn tụ:

Sau nửa năm về chịu tang chú, Kim Trọng trở lại tìm Kiều. Hay tin gia đình Kiều gặp tai biến và nàng phải bán mình chuộc cha, chàng vô cùng đau đớn. Tuy kết duyên với Thuý Vân nhưng chàng vẫn không thể quên mối tình đầu say đắm. Chàng quyết cất công lặn lội đi tìm Kiều. Nhờ gặp được sư Giác Duyên mà Kim, Kiều tìm được nhau, gia đình đoàn tụ. Chiều theo ý mọi người, Thuý Kiều nối lại duyên cũ với Kim Trong nhưng cả hai cùng nguyện ước “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

III. Giá trị tác phẩm

* Giá trị nội dung, nghệ thuật của Truyện Kiều:

1. Giá trị nội dung:

a. Giá trị hiện thực:

a1. Truyện Kiều phản ánh bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị và thế lực hắc ám chà đạp lên quyền sống của con người.

* Bọn quan lại:

- Viên quan xử kiện vụ án Vương Ông vì tiền chứ không vì lẽ phải.

- Quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến là kẻ bất tài, nham hiểm, bỉ ổi và trâng tráo.

* Thế lực hắc ám:

- Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… là những kẻ táng tận lương tâm. Vì tiền, chúng sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và số phận con người lương thiện.

-> Tác giả lên tiếng tố cáo bộ mặt xấu xa bỉ ổi của chúng.

a2. Truyện Kiều phơi bày nỗi khổ đau của những con người bị áp bức, đặc biệt là người phụ nữ.

- Vương Ông bị mắc oan, cha con bị đánh đập dã man, gia đình tan nát.

- Đạm Tiên, Thuý Kiều là những người phụ nữ đẹp, tài năng, vậy mà kẻ thì chết trẻ, người thì đoạ đày, lưu lạc suốt 15 năm.

-> Truyện Kiều là tiếng kêu thương của những người lương thiện bị áp bức, bị đoạ đày.

b. Giá trị nhân đạo:

- Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du bộc lộ niềm thương cảm sâu sắc trước những khổ đau của con người. Ông xót thương cho Thuý Kiều – một người con gái tài sắc mà lâm vào cảnh bị đoạ đầy “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

- Là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất cao đẹp của con người như nhan sắc, tài hoa, trí dũng, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, vị tha…

- Ông trân trọng đề cao vẻ đẹp, ước mơ và khát khao chân chính của con người như về tình yêu, hạnh phúc, công lý, tự do…

- Ông còn tố cáo các thế lực bạo tàn đã chà đạp lên quyền sống của những con người lương thiện, khiến họ khổ sở, điêu đứng.

-> Phải là người giàu lòng yêu thương, biết trân trọng và đặt niềm tin vào con người Nguyễn Du mới sáng tạo nên Truyện Kiều với giá trị nhân đạo lớn lao như thế.

2. Giá trị nghệ thuật:

Truyện Kiều được coi là đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Du.

- Về ngôn ngữ: là ngôn ngữ văn học hết sức giàu và đẹp, đạt đến đỉnh cao ngôn ngữ nghệ thuật.

- Tiếng Việt trong Truyện Kiều không chỉ có chức năng biểu đạt (phản ánh), biểu cảm (bộclộ cảm xúc) mà còn có chức năng thẩm mĩ (vẻ đẹp của ngôn từ).

- Với truyện Kiều, nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc.

+ Ngôn ngữ kể chuyện có 3 hình thức: trực tiếp (lời nhân vật), gián tiếp (lời tác giả), nửa trực tiếp (lời tác giả mang suy nghĩ, giọng điệu nhân vật). Nhân vật trong truyện xuất hiện với cả con người hành động và con người cảm nghĩ, có biểu hiện bên ngoài và thế giới bên trong sâu thẳm.

+ Thành công ở thể loại tự sự, có nhiều cách tân sáng tạo, phát triển vượt bậc trong ngôn ngữ thơ và thể thơ truyền thống.

+ Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc hoạ nhân vật qua phương thức tự sự, miêu tả chỉ bằng vài nét chấm phá mỗi nhân vật trong Truyện Kiều hiện lên như một chân dung sống động. Cách xây dựng nhân vật chính diện thường được xây dựng theo lối lý tưởng hoá, được miêu tả bằng những biện pháp ước lệ, nhưng rất sinh động. Nhân vật phản diện của Nguyễn Du chủ yếu được khắc hoạ theo lối hiện thực hoá, bằng bút pháp tả thực, cụ thể và rất hiện thực (miêu tả qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động… của nhân vật).

- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên đa dạng, bên cạnh bức tranh thiên nhiên chân thực sinh động (Cảnh ngày xuân), có những bức tranh tả cảnh ngụ tình đặc sắc (Kiều ở lầu Ngưng Bích).

B. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

I. Nghệ thuật miêu tả:

1. Nghệ thuật miêu tả:

a. Nhân vật chính diện:

Câu 1:

Chép thuộc “Chị em Thuý Kiều”:

Đầu lòng hai ả tố Nga,

Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.

Cung thương lầu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.



Ôn thi vào 10 Ngữ văn: Truyện Kiều - Nguyễn Du

0 comments Blogger 0 Facebook

Post a Comment

Cám ơn bạn đã phản hồi


Subscribe to: Posts (Atom)

 
Inluon - Sáng kiến kinh nghiệm-Nghiên cứu KHSPUD in luôn0Cars - Auto in USA ©Email: Inluon@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Cars-Auto|Car-Auto|Loans|Loans|Loans|dayvahoctot|
Top