ÁNH TRĂNG
Nguyễn Duy
Hồi còn sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiên tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỷ.
Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa.
Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện, cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường.
Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn-đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng về bể
Như là sông là rừng.
Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Tác giả:
- Nguyễn Duy (1948) quê ở Thanh Hoá.
- Ông thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trước cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
- Sau chiến tranh, Nguyễn Duy vẫn say sưa và tiếp tục con đường thơ của mình. Thơ ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu “quen thuộc mà không nhàm chán”.
- Thơ Nguyễn Duy có giàu chất triết lý, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư.
- Các tác phẩm chính: Cát trắng (thơ 1973), ánh trăng (1978), Mẹ và em (thơ 1987)…
- Tác giả đã được nhận các giải thưởng: Giải nhất thơ tuần báo “Văn nghệ (1973); Giải A về thơ của hội nhà văn Việt Nam (1985).
2. Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ba năm sau ngày kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).
b. Khái quát nội dung, nghệ thuật:
* Nội dung:
- Bài thơ là lời nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước, bình dị, hiền hậu.
- Từ đó, gợi nhắc người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ.
* Nghệ thuật:
- Giọng điệu tâm tình, tự nhiên kết hợp giữa yếu tố trữ tình và tự sự.
- Hình ảnh giàu tính biểu cảm: trăng giàu ý nghĩa biểu tượng.
c. Thể thơ – Phương thức biểu đạt: Thể thơ 5 chữ – phù hợp với phương thức biểu đạt kết hợp hài hoà giữa biểu cảm (trữ tình) và tự sự.
d. Bố cục của bài thơ:
* Mạch vận động cảm xúc: Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Dòng cảm xúc của nhà thơ cũng được bộc lộ theo mạch tự sự. Theo dòng tự sự ấy mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ.
* Bố cục: Bài thơ chia làm 3 phần:
- 3 khổ thơ đầu: ký ức về vầng trăng trong quá khứ của tác giả và trong hiện tại.
- Khổ 4 tình huống bất ngờ khiến hồi ức lùa về.
- 2 khổ cuối: sự hối hận của tác giả vì đã lãng quên vầng trăng.
e. Nhận xét về sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ:
- Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ, một lời tâm tình kể theo trình tự thời gian. Dòng cảm hứng trữ tình của nhà thơ men theo mạch tự sự đó. Ở quãng thời gian quá khứ đã có một sự biến đổi, một sự thực đáng chú ý: bắt đầu từ hồi ức về “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh” sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, với vầng trăng: “ngỡ không bao giờ quên – cái vầng trăng tình nghĩa”. Tiếp đó là sự đổi thay của hoàn cảnh hiện tại: “Từ hồi về thành phố”, con người sống với những tiện nghi hiện đại mà quên đi vầng trăng: “vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”.
- Trong dòng diễn biến theo thời gian, sự việc bất thường ở khổ thơ thứ tư: “Thình lình đèn điện tắt” chính là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề tác phẩm. Vầng trăng tròn ở ngoài kia, trên kia đối lập với “phòng buyn-đinh tối om”. Chính vì xuất hiện đột ngột trong bối cảnh ấy, vầng trăng bất ngờ mà tự nhiên đã gợi ra bao kỷ niệm nghĩa tình.
Ôn thi vào 10 Ngữ văn: Ánh trăng - Nguyễn Duy
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi