Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có những đổi mới về đề thi môn ngữ văn.
Có phần đọc hiểu
Qua một số mẫu đề trong đợt tập huấn của Sở GD-ĐT, có nhiều giáo viên cho rằng đề thi tuyển sinh sắp tới sẽ thoáng, có nhiều hướng để học sinh lựa chọn, tạo lập văn bản, tránh học tủ, học vẹt.
Đọc hiểu là phần mới với yêu cầu đọc đoạn trích (thơ hoặc truyện) sau đó trả lời hệ thống câu hỏi tập trung hướng vào đoạn trích. Đề thi bắt đầu bằng ngữ liệu có thể trong sách giáo khoa hoặc ngoài chương trình nhưng sẽ gắn với những chủ đề học sinh đã học để nâng cao năng lực. Như vậy học sinh phải rèn luyện kỹ năng đọc để nắm vững tác giả, tác phẩm, nghĩa của từ, nội dung nói về ai, đề cập đến vấn đề gì?
Định hướng về đề thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tiết lộ: “Trong tổng số điểm bài thi, yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp từ 20 – 30% còn lại là yêu cầu vận dụng cao. Cụ thể, phần đọc hiểu (3 điểm) sẽ yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi tự luận ngắn về văn bản đã học hoặc ngoài sách giáo khoa có chủ đề tương tự, trả lời câu hỏi, giải bài tập về tiếng Việt, đặt nhan đề, hoàn thành văn bản với kết thúc mới…”.
Ông Hiếu cho rằng đề thi tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh bày tỏ chính kiến về các vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội. Từ đó đánh giá khả năng ghi nhớ, nhận biết, tái hiện, vận dụng trên nền tảng kiến thức và phương pháp đọc hiểu, tiếp nhận văn bản đã học. Không chỉ thể hiện khả năng thu thập, xử lý thông tin và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, giải quyết vấn đề, đề thi cần thí sinh bộc lộ sự thấu hiểu các giá trị nhân văn, năng lực tư duy hình tượng…
Ở phần tạo lập văn bản, đối với bài nghị luận văn học, đề thi sẽ lấy ngữ liệu là văn bản thơ hoặc truyện đã học trong chương trình ngữ văn lớp 9. Từ đó có những yêu cầu về vận dụng cao như so sánh, liên hệ với văn bản trong và ngoài sách giáo khoa, rút ra các vấn đề khái quát, vận dụng để giải quyết tình huống”.
>> Xem điểm thi
Những lưu ý về kiến thức
Ông Nguyễn Tấn Hoàng, Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), nhận xét: “Điểm mới này sẽ giúp cho việc học không nặng về kiến thức hàn lâm, tạo điều kiện cho học sinh có những cách giải thích, phân tích mới và giáo viên phải trân trọng dù có thể đó còn là những ý kiến còn chưa xác thực”.
Về bài tập thực hành tiếng Việt, giáo viên Nguyễn Tấn Hoàng tư vấn học sinh phải lưu ý vai trò, tác dụng, ý nghĩa của hình ảnh sau khi chỉ ra đúng tên gọi của đơn vị kiến thức đã học. Để bài làm tốt hơn, học sinh nên mở rộng ý nghĩa gắn liền ngữ cảnh của ngữ liệu.
Một giáo viên dạy ngữ văn tại một trường ở Q.1 nêu ra kinh nghiệm làm bài phần nghị luận xã hội. Theo giáo viên này, nếu đề bài có nhiều chủ đề học sinh nên chọn chủ đề nào mình cảm thụ sâu sắc nhất, có ý tưởng nhiều nhất. Nếu dạng đề mà chủ đề rút ra một phẩm chất, một bài học từ đoạn trích thì phải đọc kỹ ngữ liệu, xác định đúng chủ đề. Mỗi tác phẩm đều gắn với một chủ đề, một tư tưởng hoặc một vẻ đẹp của nhân vật.
Về nghị luận văn học, ngoài việc nắm vững phương pháp làm bài nghị luận, học sinh cần biết liên hệ, đối chiếu với những tác phẩm khác có cùng chủ đề; biết nhận xét, đánh giá, tìm nét riêng hoặc điểm chung, lý giải vì sao thích về nội dung hay nghệ thuật…
Trong quá trình chấm thi, giám khảo cho biết thường bài đạt điểm cao là những bài có ý tưởng mới mẻ, hình thức bố cục rõ ràng, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, biết khai thác, trình bày, phân tích luận điểm, tránh mắc lỗi dùng từ, đặt câu.
Bích Thanh
Tuyển sinh vào lớp 10 năm 2015 TP. Hồ Chí Minh: Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn sẽ rất thoáng
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi