Hầu hết học sinh của tỉnh Quảng Nam quan tâm các ngành học liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội việc làm tại địa phương
Sáng 27-2, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” 2016 diễn ra tại Trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Chương trình được Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tường thuật trực tiếp. Khoảng 1.500 học sinh (HS) đến từ các trường THPT: Sào Nam, Lê Hồng Phong, Nguyễn Hiền, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Duy Xuyên... tập trung tại Trường THPT Sào Nam để tham dự.
Thí sinh đặc cách do trường ĐH quyết định Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH - CĐ 2016, nhiều HS bày tỏ sự thắc mắc xoay quanh nội dung này.
Mở đầu chương trình là câu hỏi khá thú vị của HS Tuyết Nhi, (Trường THPT Sào Nam): Theo dự thảo quy chế mới ban hành, chỉ được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành dễ dẫn đến tình trạng trường nhận được quá nhiều hồ sơ nhưng chỉ tiêu lại quá ít, nhiều thí sinh điểm cao nhưng rớt. Cách này cũng làm tăng tỉ lệ thí sinh ảo. Vậy làm sao để hạn chế lượng thí sinh ảo này? Nếu được, ban tư vấn có thể kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được đăng ký theo nhiều ngành?”.
Học sinh tỉnh Quảng Nam có rất nhiều câu hỏi với ban tư vấn Ảnh: Trần Thường
Thay mặt ban tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa nhận xét đây là câu hỏi rất khó về mặt kỹ thuật và nếu giải quyết được thì Bộ GD-ĐT đã thực hiện từ nhiều năm nay rồi. Theo TS Nghĩa, năm 2016, thí sinh chỉ nộp và không được phép rút nên sẽ không có sự lộn xộn rút - nộp như năm ngoái. Tuy nhiên, có thể đến ngày đó các em sẽ gửi hồ sơ rất nhiều. Mỗi ngày, các trường phải công bố hồ sơ phải nộp và mức điểm thi bao nhiêu. Như vậy, đến những ngày cuối cùng, những thí sinh cảm thấy điểm mình đủ khả năng đậu sẽ nộp hồ sơ ào ạt, những thí sinh còn lại đã nộp hồ sơ cảm thấy mình có khả năng rớt cũng không thể rút ra được. Nếu trúng tuyển nhiều trường, thí sinh sẽ cân nhắc việc chọn trường nào để học và đối với trường còn lại không được chọn sẽ bị ảo. Do đó, phải chấp nhận tỉ lệ ảo.
Một HS hỏi: “Bạn em bị khuyết tật, nói và viết chậm nhưng học lực giỏi. Em được biết bạn được đặc cách tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016. Vậy nếu bạn em muốn vào ĐH thì thi tuyển bằng cách nào?”. Theo ban tư vấn, việc xem xét quyết định đặc cách xét tốt nghiệp THPT thí sinh khuyết tật là do các sở GD-ĐT quyết định. Tuy nhiên, quyết định xét đặc cách vào ĐH, CĐ là do hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ. Hiện ngoài xét tuyển thẳng, thí sinh đoạt giải kỳ thi HS giỏi quốc gia, nhiều trường ưu tiên xét tuyển thẳng cho các thí sinh khuyết tật đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bổ sung phần trả lời, PGS-TS Lê Thị Liêm Thanh, Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Đông Á, khuyên thí sinh khuyết tật liên hệ với bà vì Trường ĐH Đông Á sẵn sàng xét tuyển.
Chú trọng thực hành tại trường và doanh nghiệp HS lớp 12 của các trường tại tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự quan tâm đến các ngành nghề dễ xin việc. Một HS hỏi: “Những ngành học kỹ thuật trong 5 năm tới có triển vọng xin việc làm không?”. TS Trần Thanh Thưởng, Phó Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết đối với nhóm ngành kỹ thuật, hiện nhu cầu việc làm rất cao, đặc biệt các ngành nhóm cơ khí. Về vấn đề xin việc làm, ngoài việc chọn ngành nghề yêu thích, HS cần có nhiều kỹ năng mềm, vốn ngoại ngữ, đặc biệt ngành học phải phù hợp với khả năng. Ví dụ: kỹ thuật ô tô ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM là 1 trong 3 ngành thu hút sinh viên học đông nhất. Do đường cao tốc Việt Nam đang phát triển, dự kiến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô sẽ bằng 0, sự phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025 dẫn đến việc hình thành thị trường lao động rộng lớn.
Một HS khác hỏi: “Em được biết những năm gần đây, các ngành khối kinh tế khó xin việc hơn. Em có ý định thi ngành quản trị kinh doanh, cơ hội xin việc của ngành này như thế nào?”. Theo PGS-TS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, cùng với những chuyển biến của đất nước, nhóm ngành kinh tế và nhân văn sau thời gian phát triển mạnh đã chững lại cùng quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng chung của cả thế giới, khi nền kinh tế phát triển, lĩnh vực dịch vụ, phục vụ đời sống ngày càng được nâng cao cùng các hoạt động kỹ thuật. Kinh tế phát triển song song với sự phát triển của nhân loại.
Theo PGS-TS Đào Hữu Hòa, ngành quản trị kinh doanh không chỉ dạy các em làm trong doanh nghiệp mà trang bị kiến thức điều hành ở bất kỳ tổ chức, công ty nào. Tốt nghiệp ngành này, các em có thể công tác ở tất cả các cơ quan, đơn vị, kể cả ngân hàng, du lịch, thương mại…
Quan tâm về khối ngành dịch vụ, HS Gia Hân (Trường THPT Nguyễn Hiền) nói em muốn thi vào ngành du lịch của Trường ĐH Đông Á. “Liệu trường có đào tạo theo hướng thực hành và ứng dụng giúp sinh viên có cơ hội làm việc tốt hơn không? Cơ hội việc làm như thế nào?” - Gia Hân hỏi.
PGS-TS Lê Thị Liêm Thanh cho hay Trường ĐH Đông Á đào tạo theo định hướng thực hành. Tất cả các chương trình đào tạo của trường chú trọng thực hành tại trường và tại doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với ngành du lịch, năm 2015, trường đã ký hợp tác với tập đoàn Nhật Bản có 251 khách sạn và sẽ xây thêm 50 khách sạn lớn tại Việt Nam, riêng tại TP Đà Nẵng sẽ có 10 khách sạn mới từ năm 2016 đến 2020.
“Tập đoàn này sẽ tuyển sinh viên Trường ĐH Đông Á tốt nghiệp ngành du lịch và các ngành khác để làm việc trong hệ thống 301 khách sạn của họ, mỗi năm 200 người. Như vậy, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của các em là rất lớn” - bà Thanh nói.
Cần nhân rộng chương trình
Thầy Phạm Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam, cho biết chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức hết sức thiết thực, giúp HS hiểu rõ thêm về những điểm mới trong công tác thi, tuyển sinh năm nay cũng như giúp các em chọn được trường phù hợp với khả năng học lực, sở thích, nghề nghiệp tương lai của mình. “Đây là chương trình hết sức thiết thực, cần nhân rộng ra để các trường khác, các đối tượng khác có điều kiện được tư vấn bởi dù theo dõi trực tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng các HS vẫn còn rất nhiều thắc mắc muốn được giải đáp” - ông Sỹ nói.
Chia sẻ khó khăn với giáo viên, học sinh
Tại buổi tư vấn, toàn thể HS, giáo viên tại sân trường đã hết sức xúc động trước nghĩa cử chia sẻ khó khăn với một giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo. Đó là cô giáo Dương Thị Thúy, giáo viên môn sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, bị ung thư máu. Được sự giới thiệu của Báo Người Lao Động, ông Trần Đức Dũng, Phó Chủ tịch Quỹ Trái tim Hùng Hậu, trực tiếp đến tỉnh Quảng Nam để trao số tiền 20 triệu đồng cho cô giáo này. Sáng 27-2, do cô Thúy phải nằm viện lọc thận, chồng cô Thúy lên nhận thay.
Cũng tại chương trình, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã trao 15 suất học bổng cho HS nghèo vượt khó học giỏi, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Trường ĐH Duy Tân trao 4 suất học bổng, mỗi suất 500.000 đồng.