Đừng vội tỏ thái độ với những bạn học sinh đã bỏ học và có tư tưởng bỏ học, xin hãy khuyên nhủ, khích lệ các bạn ấy. Đó sẽ là tình cảm ấm áp yêu thương và tin tưởng, là nguồn sức mạnh cho những đứa trẻ vấp ngã đứng dậy và vững bước vào đời.
Tiễn hai cha con bạn đến bến xe, tôi còn nán lại cho đến khi chiếc ôtô nổ máy, nặng nề lăn bánh, để lại một vệt khói dài. Tự nhiên tôi có cảm giác mọi thứ thật mỏng manh, mỏng manh như làn khói kia vậy. Lớp tôi khuyết đi một thành viên, phòng tôi lại có sự thay đổi nhân khẩu. Trong đầu tôi vang lên câu hỏi: Tại sao lại có những học sinh bỏ học giữa chừng?
Trường tôi là trường chuyên, chế độ học tập khá nặng về kiến thức. Mỗi học sinh khi xác định học trong trường là phải nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh bỏ học trong trường không phải là không có. Bạn tôi chỉ là một trường hợp. Tôi nhớ khi mới nhập trường, dù ai cũng có một vẻ ngỡ ngàng, vì hầu hết chúng tôi đều là học sinh huyện lẻ về trọ học ở trường chuyên, nhưng tôi vẫn nhận ra trong ánh mắt mỗi người một niềm hân hoan và đặc biệt là một quyết tâm thầm lặng. Từ ngôi trường này, chúng tôi sẽ bay cao bay xa, đến những phương trời mới. Nhưng giờ đây, một người bạn trong lớp lại trở về với làng quê nơi bạn đã quyết định ra đi cho một tương lai sáng lạn. Hình ảnh người bạn chăm chỉ học hành, đôi lúc ngồi hát vu vơ, nuôi những mơ mộng xa xăm chỉ còn trong kí ức ngây thơ của tôi. Bây giờ bạn tôi hiện lên là một cô bé ngơ ngác, ngồi như một pho tượng trước suất cơm nội trú, nhốt mình trong nhà tắm công cộng hàng mấy tiếng liền. Tôi hiểu những xúc động mạnh mẽ đã gây ra sự biến đổi đó. Đó là mối tình học trò đơn phương đã đi quá giới hạn mơ mộng, lạc vào ngã rẽ của ảo tưởng, làm cho một tâm hồn yếu đuối của người bạn lớp chuyên Văn hoàn toàn suy sụp. Tất cả quyết tâm của bạn tan theo sự trầm lặng tuyệt đối. Kết quả thi cuối kì của bạn quá thấp, buộc cô giáo chủ nhiệm và nhà trường phải trao đổi với bố mẹ bạn về tình hình và giải pháp cho bạn. Và quyết định thống nhất cuối cùng là bạn phải nghỉ học. Vì trước đó, bạn đã bỏ học khá nhiều, không thể theo kịp chương trình. Bạn cũng quá xấu hổ, không thể học lại một năm cùng các em lớp dưới. Tôi yêu quí bạn, nhưng tôi không thể phủ nhận quyết tâm ở bạn chưa cao, bạn không quan tâm đến chính sự học hành của mình, để tất cả buông xuôi, không có cách nào vực lên được. Phải chăng, đó cũng là lí do chính khiến nhiều học sinh bỏ học giữa chừng? Sống trong cảnh trọ học xa nhà, không nhận được sự chỉ bảo quan tâm thường xuyên của cha mẹ, lại thêm bao hiện tượng xấu trong học đường và ngoài xã hội vây bủa, nếu không có quyết tâm và nỗ lực, các bạn học sinh rất dễ vấp ngã. Một khi đã đi quá đà, sẽ rất khó tìm lại được “phong độ” của mình trước đây. Bản thân tôi cũng đã có thời gian đam mê những thú vui ngoài mạng, những bộ phim online hấp dẫn. Tôi đã bỏ quên những bài văn, những phép toán để chạy theo thú vui của mình. Một ngày trở về nội trú, bởi cuộc thăm nom đột ngột của mẹ, bắt gặp mẹ đang mân mê trang giấy có những dòng chữ ngay ngắn của tôi từ lâu đã để quên trên giá sách, nhận ra những sợi bạc ánh lên trên mái tóc Người trong ánh sáng buổi chiều, nước mắt tôi đã chảy dài trên má. Tôi tự hứa với bản thân phải làm lại. Vì cứ tiếp tục các cuộc vui kia, khả năng bỏ học của tôi là rất lớn. Tôi mượn vở bạn miệt mài chép lai, chỗ nào không hiểu, tôi nhờ bạn giảng giải và hỏi thêm thầy cô. Tôi đã vượt qua được chỉ tiêu chất lượng của học sinh lớp chuyên. Tôi thưởng thức niềm hạnh phúc một lần mình đã vượt qua chính mình, nhờ quyết tâm và nỗ lực. Các bạn đang tụt lùi trong học tập, đừng vội hình thành tư tưởng bỏ học, hãy thử xem bạn làm được gì trước khi từ bỏ nó một cách dễ dàng thế.
Đó chỉ là một vài trường hợp tôi trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm. Nhưng nếu bạn chú ý đến các thông tin trên báo chí, truyền thông, các bạn sẽ thấy hiện tượng học sinh chúng ta bỏ học không còn là hiện tượng “không bình thường” nữa. Ngay cả ở những nước tiên tiến như Singapo, tỉ lệ học sinh nghỉ học là khá lớn trong tổng số học sinh trên đảo quốc sư tử (1,6% năm 2008). Việc học sinh bỏ học thì nước nào cũng có. Cho dù giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển thì tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia dã chi hàng tỉ đô la để cải thiện tình trạng này nhằm dẫn đến giải toả những nguyên nhân do bỏ học gây ra và đưa các em trở lại với khuôn viên trường học.Việt Nam không phải là nước có tiềm năng kinh tế mạnh mẽ dể hỗ trợ giải quyết tình trạng bỏ học của học sinh vì thế hiện tượng này ngày càng trở nên bức xúc. Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2007-2008, số học sinh bỏ học lên tới con số hơn 147.000 học sinh, xảy ra ở cả ba cấp học (Tiểu học, THCS, THPT), với quy mô rộng lớn, từ vùng sâu vùng xa như Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn la, đến các vùng đất hiếu học như Nghệ An, Hà Tĩnh, và cả các vùng đồng bằng, trung tâm lớn cũng có các hiện tượng bỏ học của học sinh. Tôi biết ngoài lí do bỏ học vì “mải mê chinh chiến và yêu đương” như người bạn cùng lớp với tôi, còn trăm ngàn lí do khác để có thể khiến tôi và các bạn không thể đi tiếp con đường học hành. Bạn có nghĩ như tôi không, khi cho rằng một nguyên nhân có tính phổ quát đối với hiện tượng bỏ học là kinh tế gia đình học sinh rất khó khăn. Cảnh học sinh vùng sâu vùng xa đến trường với cái bụng đói, quần áo nhếch nhác không còn là chuyện lạ. Khi cái bụng chưa no, thì học cái chữ cũng chẳng ích gì. Nhiều em đã bỏ học, phụ huynh chấp nhận bởi cảnh nghèo, vả lại có thêm lao động nhí phụ giúp gia đình càng tốt (!). Cũng có khi do con đường từ nhà đến truờng xa xôi và khó khăn, nhiều suối dữ lạnh buốt xương vào mùa đông, cuồn cuộn dòng chảy vào mùa mưa đã ngăn cản bước chân học trò. Chương trình sách giáo khoa quá nặng, học trò vùng sâu, vùng xa không đáp ứng nổi. Bị đúp lại sau khi có phong trào “hai không ” của ngành Giáo dục, thì bỏ học luôn, vì xấu hổ với chúng bạn. Khi thầy cô đến nhà vận động đi học, phụ huynh yêu cầu “nếu cho con tôi lên lớp thì tôi cho nó đi học trở lại”. Thì ra cái đói, cái nghèo, cái gian truân của cuộc sống còn ghê gớm hơn nhiều cái dốt nát, mù chữ, với con người! Ở vùng quê tôi, cuộc sống còn nhiều vất vả, nhiều bạn học của tôi chỉ học hết lớp 9 là có tư tưởng bỏ học về làm một chân lao động trong gia đình. Các bạn ngày ngày đạp xe đến các xưởng dép, bánh kẹo, làm việc cả ngày để hàng tháng có thêm thu nhập cho gia đình. Cá biệt có trường hợp các bạn nghỉ học để ở nhà “lấy chồng” (!). Tôi đã đến chơi nhà các bạn, có một số bạn gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự, nhưng cũng có bạn gia đình không kém gì các nhà khác trong xóm, cha mẹ cũng chấp nhận cho con bỏ học, dù chỉ để ở nhà “đi chơi”. Có lẽ đó là tư tưởng cổ hủ của một số người? Nhưng họ đâu biết điều đó ảnh hưởng đến tương lai của con cái như thế nào?
Một lí do khác mang tính chủ quan hơn, và cũng phổ biến hơn là do năng lực học tập kém, không theo kịp chương trình dẫn đến chán học và bỏ học. Bên cạnh đó cần phải kể đến ý thức học tập. Sự thực là có những học sinh phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ vào mùa nương rẫy, làm nghệ phụ nhưng cũng có những học sinh nghỉ học chỉ vì lễ hội đâm trâu của làng mình và những làng kế bên thật hấp dẫn. Mỗi làng, lễ hội kéo dài 10 ngày, phải xem hết, vì vui lắm, khi nào lễ hội kết thúc mới quay trở lại trường học. Ở vùng đồng bằng, thị trấn, thành phố, đời sống vật chất, điều kiện học tập hẳn đầy đủ hơn học trò miền núi cao, sao vẫn có trình trạng bỏ học? Internet, online, game station hấp dẫn hơn nhiều so với những trang sách và bài giảng của thầy cô. Có lần tôi đi ngang qua một ngôi trường, dù trống trường đã điểm khá lâu nhưng vẫn có không ít bạn tụ tập ở khu vực gần cổng trường, những câu chuyện rôm rả… Tôi nhìn cổng trường đóng chặt và đoán là các bạn đó đi học muộn, cổng đã đóng, không thể vào học được. Rồi bóng bác bảo vệ xuát hiện, không ai nghĩ đến việc xin bác vào học tiếp, mà hối hả đạp xe tản vào các quán nét gần trường, với ý nghĩ: nghỉ học với đi muộn cũng là một vi phạm đạo đức. Nhưng vô tình, các buổi bỏ học đó không chỉ gây ảnh hưởng đến trật tự khu vực mà còn có tác hại đến chính tình trạng học tập của các bạn ấy, tạo thành một thói quen xấu là bỏ học thường xuyên. Từ cái tặc lưỡi, “bỏ mấy buổi chả chết ai” đến lỗ hổng kiến thức ngày càng lớn, khiến các bạn phải lưu ban chỉ trong gang tấc. Thì ra không có quyết tâm vươn lên cũng là lí do và lí do cơ bản của việc bỏ học. Ngay trong cuộc sống hiện tại đây, có những bạn học sinh biến giấc mơ thi đỗ đại học trở thanh hiện thực nhờ nghị lực phi thường. Không có thời gian học ở nhà như bao bạn cùng trang lứa, vì gia đình đông em, cha mẹ bệnh nặng, bạn Hương ở Quảng Nam chỉ có thể học bài vào những lúc đi chăn bò phụ giúp cha mẹ, Mặt đất và những chiếc que nhỏ là đồ dùng học tập, giúp bạn giải bài tập toán, lí, hoá. Miệt mài, kiên trì suốt 6 năm học phổ thông như thế, cuối cùng cánh cửa đại học Huế dã mở ra với Hương. Bạn có thấy không, chính nghị lực và niềm ham mê những trang sách đã chiến tháng đói nghèo.
Hiếu học vốn là truyền thống của người Việt Nam. Đã có thời, cuộc sống khó khăn gấp bội nhưng vẫn có gia đình bán nhà, bán đất cho con đi học, vẫn có những cậu học trò, bằng tuổi tôi và bạn, nhịn đói ôm sách học dưói ánh đèn đường. Vậy phải chăng nguyên nhân sâu xa của tình trạng bỏ học giữa chừng có lẽ tại gia đình, nhà trường và xã hội chưa chỉ ra và thuyết phục cho con em mình thấy được sự sáng sủa ở cuối con đường nhọc nhằn đèn sách.
Nhiều lúc tôi đã băn khoăn tự hỏi, chẳng lẽ không có giải pháp nào cho hiện tượng các bạn học sinh như chúng tôi bỏ học? Đất nước ta còn nhiều khó khăn, chúng ta không thể chi hàng tỉ USD để cải thiện tình hình như các nước phát triển. Nhưng không có khó khăn nào không giải quyết được. Với những biện pháp cụ thể thiết thực của ngành Giáo dục như phát động các cuộc nghĩa cử, kêu gọi thầy cô và các bạn quyên góp tiền bạc, sách vở, quần áo,…giúp các bạn học sinh nghèo trở lại trường; các buổi dạy phụ đạo cho các bạn học kém, tôi tin nhiều bạn sẽ suy xét lại ý định bỏ học của mình. Tôi nhớ lại niềm vui của những lần nhận phần thưởng của hội khuyến học của dòng họ, của địa phương, tuy là những phần thưởng nhỏ bé nhưng chúng đã khích lệ tôi rất nhiều trên con đường học tập nhiều gian khổ. Và chính bản thân mỗi học sinh, với tinh thần “nối vòng tay lớn”, tại sao chúng ta không tự giúp nhau cùng tiến? Các buổi học nhóm, phong trào “đôi bạn cùng tiến” sẽ là lực đẩy cho nhiều bạn bước tiếp trong quá trình khám phá kiến thức. Bạn đừng ngại hỏi, cũng đừng mặc cảm về những điều mình chưa biết, hãy dũng cảm vượt qua giói hạn của sự biết và không biết. Bạn sẽ thấy cuộc sống nở hoa từ những trang sách, thành công ở trong tầm với của mình. Chúng ta sẽ không phải đau lòng mà từ giã một người bạn rời khỏi lớp, bản thân tôi có lẽ cũng không phải nuối tiếc và mênh mang buồn sau cái vẫy tay của bạn.
Các cấp chính quyền, xin hãy quan tâm đến sự học hành của chúng tôi hơn, đừng để các quán nét, quán nước quanh trường là điểm các bạn học sinh tụ tập, chạy trốn sự kiểm soát của gia đình, nhà trường. Các bậc cha mẹ, xin hãy để ý đến con mình nhiều hơn, để các bạn như tôi không phải gấp lại trang sách một cách mỏi mệt và nuối tiếc, đi vào con đường đời không bằng phẳng với hành trang kiến thức quá mỏng. Nhiều học sinh chúng tôi đã hân hoan khi nghe quyết định của Bộ giáo dục có thể nâng thời gian học lên hơn 30 tiết để chúng tôi có thể tiếp thu kiến thức một cách vững chắc. Và trong thâm tâm, tôi và các bạn đều nghĩ đến một bộ sách giáo khoa cải cách có thể chuẩn về kiến thức, đồng thời lại đáp ứng được nhu cầu tiếp thu của học sinh mỗi vùng miền.
Tôi đã từng nhận được những lời khen ngợi về sự hiếu học, nhưng tôi cũng biết những lời chê bai, dè bỉu của mọi người với những bạn học sinh bỏ học. Thiết nghĩ, những người lớn hãy quan tâm đến cảm giác của bọn trẻ chúng tôi nhiều hơn. Đừng vội tỏ thái độ với những bạn học sinh đã bỏ học và có tư tưởng bỏ học, xin hãy khuyên nhủ, khích lệ các bạn ấy. Đó sẽ là tình cảm ấm áp yêu thương và tin tưởng, là nguồn sức mạnh cho những đứa trẻ vấp ngã đứng dậy và vững bước vào đời.
Nhọc nhằn …. con chữ
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi