Kỹ năng học, ghi nhớ sự kiện
Kỹ năng đầu tiên, theo cô Nghiêm Thị Huyền là cần tạo cho học sinh kĩ năng học, ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng lịch sử một cách hệ thống.
Các sự kiện, hiện tượng lịch sử luôn luôn gắn liền với một không gian, thời gian, nhân vật nhất định, nếu tách các yếu tố đó ra khỏi sự kiện thì chúng ta không thể hiểu được lịch sử nữa.
Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình bồi dưỡng học sinh là giáo viên phải yêu cầu học sinh ghi nhớ được các sự kiện lịch sử cơ bản.
Kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề
Học sinh giỏi môn Lịch sử là những học sinh ham thích, say mê nghiên cứu và học tập môn Lịch sử.
Với đối tượng là học sinh giỏi, giáo viên cần xác định rõ ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học sinh cần phải biết các sự kiện lịch sử một cách rõ ràng, sâu sắc hơn và trên cơ sở các sự kiện đó các em phải biết vận dụng vào làm các dạng bài thi với yêu cầu tổng hợp, phân tích đánh giá các sự kiện lịch sử.
Muốn làm được điều này, giáo viên cần nắm được nguyên tắc “biết – hiểu – vận dụng”.
Để học sinh “biết”, giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy, thay vì việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, giáo viên cần tạo ra những tình huống để học sinh tự tìm hiểu các sự kiện lịch sử. Sau đó giáo viên chỉ là người đánh giá, nhận xét và bổ sung kiến thức cho học sinh.
Cụ thể: Giai đoạn lịch sử từ năm 1930 đến năm 1945 trong chương trình Lịch sử lớp 12 là phần nội dung tương đối khó so với các giai đoạn khác, gồm nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trong vòng 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Giai đoạn lịch sử này gần giống với lịch sử Đảng, nặng về các vấn đề có tính chất lý luận. Đối với học sinh giỏi cần cung cấp nội dung gì và phương pháp dạy như thế nào để các em nắm được kiến thức có tính chất nâng cao một cách dễ dàng.
Giáo viên có thể đặt câu hỏi: Trong giai đoạn lịch sử từ 1930 -1945, theo em có mấy vấn đề cần làm rõ? Em hãy lấy các sự kiện lịch sử để làm rõ một vấn đề mà em yêu thích?
Có thể học sinh chưa đưa ra được những vấn đề theo đúng yêu cầu của giáo viên, nhưng các em sẽ phải tự đọc tài liệu để nhận biết vấn đề ở mức độ đơn giản.
Con đường đi đến sự nhận biết lịch sử từ sự chủ động của học sinh sẽ đem lại kết quả cao hơn việc các em thụ động tiếp nhận thông tin từ giáo viên…
Kỹ năng nhận biết yêu cầu của đề bài qua các từ “khóa”
Muốn làm một bài thi học sinh giỏi tốt, yêu cầu tối thiểu nhất đối với học sinh giỏi sử là hiểu đúng đề bài.
Cách hỏi về một vấn đề lịch sử có nhiều cách khác nhau nhưng cái đích cần hỏi thì không khác nhau, vì vậy giáo viên cần cho học sinh tập dượt, làm quen với nhiều dạng câu hỏi, nhiều cách hỏi khác nhau và quan trọng là giúp học sinh nhận biết từ “khóa”, của vấn đề cần hỏi.
Từ “khóa” ở đây muốn đề cập đến là vấn đề chính, trọng tâm mà đề bài yêu cầu là gì. Trong giai đoạn lịch sử 1930 -1945 có những dạng câu hỏi mà nếu học sinh chỉ cần nhận biết từ “khóa” thì sẽ “mở” được đề và làm bài theo đúng yêu cầu đề ra.
Ví dụ:
Sự sáng tạo của Đảng trong việc tập hợp lực lượng cách mạng trong giai đoạn 1930 -1945 được biểu hiện như thế nào? Sự sáng tạo đó đã có tác dụng gì đối với thắng lợi Cách mạng tháng Tám?
Vậy từ khóa của câu hỏi trên chính là “sự sáng tạo”, nếu học sinh nắm hiểu được các sự kiện lịch sử, nắm được việc Đảng đã tập hợp lực lượng cách mạng qua hình thức các mặt trận từ 1930 -1945 nhưng đánh dấu sự sáng tạo phải đến Hội nghị TW lần thứ 8 với việc ra đời của Mặt trận Việt Minh, Đảng giải quyết vấn đề mặt trận trong khuôn khổ từng nước Đông Dương.
Mặt trận Việt Minh đã có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị mọi mặt và lãnh, kêu gọi nhân dân giành chính quyền trong những ngày Cách mạng tháng Tám,…
Ví dụ khác: Vai trò của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong việc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đưa đến thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945?
Từ khóa của vấn đề nêu trên chính là “trực tiếp”. Khi học sinh hiểu được các sự kiện lịch sử, tìm ra từ khóa sẽ xác định được nội dung mà đề bài cần hỏi.
Thực chất của vấn đề trên là cần làm rõ vai trò của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam từ năm 1941 -1945 (vì năm 1941 Bác mới về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng), hơn nữa một thông tin để học sinh xác định được mốc thời gian là tên của Bác – “Hồ Chí Minh” xuất hiện từ năm 1942,…
Cùng với cụm từ khóa “trực tiếp”, học sinh sẽ xác định được đúng mốc thời gian và đưa vào bài thi các sự kiện lịch sử phù hợp.
Kỹ năng làm bài thi
Cô Huyền cho biết, một học sinh có kiến thức lịch sử phong phú là hết sức cần thiết nhưng chưa đủ, cần có kỹ năng làm bài tốt để biến những kiến thức đó thành một bài sử có sức thuyết phục.
Cũng giống như các nội dung lịch sử khác, khi đề bài có nội dung lịch sử liên quan đến giai đoạn lịch sử Việt Nam 1930 -1945, học sinh cần đọc kĩ đề bài, gạch chân những cụm từ “khóa”, xác định thời gian, vấn đề mà đề bài hỏi,…sau đó lập dàn ý.
Cần nhớ nguyên tắc của việc giải quyết một vấn đề lịch sử là phải trả lời ba câu hỏi: Vì sao sự kiện đó diễn ra? Sự kiện đó diễn ra như thế nào? Kết quả, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm? Việc trả lời tốt ba câu hỏi trên sẽ tạo ra sự chặt chẽ, logic của một bài thi Lịch sử.
Thi học sinh giỏi hiện nay theo hình thức thi tự luận. Xu hướng đề thi học sinh giỏi là có nhiều câu (khoảng 5 – 7 câu). Trong thời gian có hạn (180 phút) đòi hỏi học sinh phải có những kĩ năng cơ bản trong việc nhận thức đề, phân phối thời gian, giải quyết đề và trình bày bài.
Học sinh phải chú ý đến cách hành văn, lập luận, bởi vì giá trị của một bài thi tốt không chỉ được xem xét, đánh giá ở nội dung mà còn ở phương pháp trình bày bài làm khoa học, chữ viết đẹp, không vấy bẩn hay tẩy xoá…
Những kĩ năng đó không phải ngày một ngày hai có được mà phải là một quá trình, nó phải được từng bước hình thành ngay từ khi các em học lớp 10 trường THPT.
Để hình thành những kĩ năng học lịch sử nói trên, trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên nên tập trung cho các em làm bài tập lịch sử dưới nhiều dạng khác nhau, kể cả kĩ năng trắc nghiệm, tự luận và thực hành…
Trong quá trình cho học sinh luyện tập làm đề, giáo viên cũng hướng dẫn học sinh phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi, tránh hiện tượng câu thì viết quá dài ảnh hưởng đến thời gian và không kịp làm các câu sau. Cách xác định thời gian tương đối cho mỗi câu nên căn cứ vào thang điểm cho ở mỗi câu hỏi của đề thi.
4 kỹ năng không thể thiếu để học sinh giỏi Lịch sử
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi