Lễ hội làng Triều Khúc
Thời gian: 10 – 12/1 âm lịch.
Địa điểm: Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: Bố Cái đại vương Phùng Hưng, Thánh sư họ Vũ.
Địa điểm: Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: Bố Cái đại vương Phùng Hưng, Thánh sư họ Vũ.
Đặc điểm: Múa Rồng, múa Trống Bồng và múa Chạy cờ.
Lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (770 – 798) và ông Vũ Đức Úy (sống vào thế kỷ 18) – người đã truyền lại nghề dệt cho dân làng.
Vào sáng mùng 10, lễ tế chính thức được tiến hành ở đình Lớn. Theo truyền thuyết thì đây là lễ Tức vị (lễ lên ngôi) của Phùng Hưng. Mở đầu là lễ rước long bào – triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn để bắt đầu cuộc tế gọi là lễ “hoàn cung”. Ở đám rước này, người rước hai bên vừa đi vừa ngoảnh mặt vào nhau trong không khí rất trang nghiêm. Khi đám rước đến nơi, các bô lão sẽ đọc văn tế, mở hòm sắt lấy bút và chính thức bắt đầu cuộc tế lễ.
Khi cuộc tế lễ trong đình bắt đầu thì ngoài sân đình, các trò vui cũng được tổ chức, một trong những trò vui được nhiều người ưa thích nhất là điệu múa “đĩ đánh bồng” hay còn gọi là múa Trống Bồng. Tương truyền, khi đại quân của Phùng Hưng đánh thành Tống Bình, ông giấu quân tại làng Triều Khúc, dân sở tại đã dùng múa Trống Bồng để động viên tướng sĩ trước khi vào trận. Từ đó trở đi, điệu múa này được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong dịp hội làng đầu xuân. Đây là một điệu múa cổ do hai chàng trai đóng giả gái biểu diễn, trong bộ quần áo mớ ba mớ bẩy, cùng với hoá trang má phấn môi son, răng đen hạt huyền, mắt lá răm, khăn mỏ quạ. Hai “cô gái” vừa nhún nhảy vừa vỗ trống Bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, trông rất vui mắt và hài hước. Tiết mục này thường thu hút người dự hội nhiều nhất và cũng là tiết mục sinh động và độc đáo nhất trong lễ hội Triều Khúc.
Bên cạnh múa Trống Bồng còn có một điệu múa khác cũng rất nổi tiếng và thường xuyên được dùng trong lễ hội đó là múa Rồng. Múa Rồng không chỉ để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an mà còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, truyền thống uống nước nhớ nguồn, cầu mong phồn vinh, thịnh vượng. Múa Rồng hoành tráng với nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc… Cùng với âm thanh vang dội, tưng bừng, tiết tấu sinh động, linh hoạt của dàn trống cái, chũm chọe và tù và, điệu múa rồng gây hấp dẫn, cuốn hút người xem đến kì lạ. Bao năm nay, múa Rồng không hề bị mai một dù cho có bất cứ thay đổi nào.
Ngoài ra, trong hội làng Triều Khúc còn có nhiều trò vui khác như múa lân hí cầu, đấu vật, hát Chèo Tàu. Sới vật Triều Khúc cũng là một trong những sới nổi tiếng, thu hút khá đông các đô vật nơi khác về tham dự: Bắc Ninh, Gia Lâm, Mai Động…
Ngày 12 là ngày rã hội. Trong ngày này có lễ rã đám và kết thúc bằng điệu múa cờ (còn gọi là múa Chạy cờ). Tương truyền, điệu múa này diễn lại tích Phùng Hưng chọn người tài đi đánh giặc. Làng Triều Khúc xưa kia đã từng là đại bản doanh của nghĩa quân Phùng Hưng trước khi đánh vào thành Tống Bình (tức thành Hà Nội). Làng Triều Khúc chính là nơi tập dượt và kén chọn quân sỹ lần cuối cùng. Điệu múa cờ ra đời từ tích truyện này. Điệu múa diễn ra trong tiếng hò, trống phách với từng tốp cờ, vừa múa vừa chạy, tạo khí thế như những cánh quân ra trận rồi tụ họp với nhau thành sức mạnh đoàn kết, có thể chiến thắng mọi kẻ thù. Khi mọi nghi lễ kết thúc, cũng là lúc mọi người cùng ngồi vào chiếu hưởng lộc thánh. Họ cùng nhau chia vui chén rượu, miếng trầu và cầu mong một năm mới phát tài, phát lộc.
Tổ chức lễ hội hàng năm, đó là cách mà người dân Triều Khúc tỏ lòng tôn kính những bậc tiền nhân đã mang đến cho họ cuộc sống hòa bình và ấm no, đó cũng là cách quảng bá văn hóa Việt tới du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng quê cổ kính này.
Theo vietnamtourism
Lễ hội làng Triều Khúc
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi