- Trao đổi về điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - cho rằng: Một số quy định mới sẽ giúp công tác xét tuyển nhẹ nhàng hơn.
Năm 2016, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cụm thi, ông nhận định như thế nào về thay đổi này?
- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH).
Với cách tổ chức như vậy, theo tôi ưu điểm là thuận lợi cho việc đi lại, ăn ở của học sinh, cha mẹ học sinh trong khi thi, giảm tốn kém cho học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng giữa các cụm, yêu cầu công tác tổ chức coi thi, chấm thi tổ chức thật nghiêm túc, giám thị coi thi và giám khảo phải 100% của trường ĐH và giáo viên của tỉnh khác.
Cũng liên quan đến công tác coi thi, chấm thi, theo tôi, kì thi THPT quốc gia năm 2016, ở cụm thi tốt nghiệp tăng cường số lượng cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng.
Vì vậy trong qui chế thi THPT quốc gia năm 2016 cần qui định cụ thể: Cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia vào các công việc gì, với tỉ lệ bao nhiêu.
Vậy còn những điều chỉnh liên quan đến công tác đăng ký dự thi, thông báo kết quả thi, xét tuyển ĐH, CĐ?
- Về đăng kí dự thi, năm 2016, thí sinh tự do đăng ký dự thi tại các địa điểm do các Sở GD&ĐT qui định.
Ông Nguyễn Hóa Điều này phù hợp với thực tế địa phương, tránh trường hợp như năm 2015, thí sinh tự do được đăng kí tại nơi nào thuận lợi nhất cho thí sinh nhưng gây khó khăn cho một số đơn vị đăng ký dự thi (vì có đơn vị đăng ký dự thi không có thí sinh đăng kí, nhưng có đơn vị đăng ký dự thi có quá nhiều thí sinh đăng kí cho nên công tác thu hồ sơ, kiểm tra hồ sơ không chu đáo).
Về thông báo kết quả thi, theo quy định mới, các Sở GD&ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi.
Qui định này khắc phục được khó khăn, hạn chế trong việc thông báo kết quả thi của năm 2015, đó là bị nghẽn mạng, quá tải dẫn đến các Sở GD&ĐT thông báo kết quả xét tốt nghiệp THPT không đúng lịch công tác thi của Bộ GD&ĐT.
Các trường ĐH chủ trì cụm thi cấp cho mỗi thí sinh dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ 1 Giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học.
Thay vì năm 2015 phải cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục đăng kí xét tuyển thì năm nay việc đăng kí xét tuyển được tiến hành nhẹ nhàng hơn qua bưu điện và trực tuyến (online).
Về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui: Năm 2016 rút ngắn thời gian các đợt xét tuyển so với năm 2015; không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi đã đăng kí; trong mỗi đợt xét tuyển giảm số ngành đăng kí/trường, nhưng lại tăng số trường/đợt xét tuyển.
Những thay đổi này phù hợp với nguyện vọng của thí sinh, người nhà thí sinh và thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ trong việc tuyển sinh, khai giảng năm học; đảm bảo tính ổn định về việc công tác xét tuyển sinh, khắc phục được hạn chế lớn nhất của công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015.
Tuy nhiên, do không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng kí xét tuyển cho nên để đạt kết quả tốt trong việc xét tuyển sinh, các nhà trường phải làm tốt công tác tư vấn chọn trường cho học sinh, các em học sinh phải hết sức thận trọng trong việc đăng kí xét tuyển.
Chủ trương đã rõ ràng, Sở GD&ĐT Kon Tum đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào để triển khai, thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2016?
- Nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh ) về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12.
Đồng thời, yêu cầu các trường THPT, PTDTNT, trung tâm giáo dục thường xuyên khẩn trương hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 và Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã qui định.
Tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT; Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Tăng cường vận động các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh là con em dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham dự kỳ thi, không để học sinh nào phải bỏ thi chỉ vì điều kiện kinh tế hay đi lại quá khó khăn.
Sở GD&ĐT tổ chức ra đề kiểm tra học kỳ II năm học 2015-2016 chung cho lớp 12 gồm 8 môn (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí).
Tổ chức Hội thảo ôn thi THPT quốc gia năm 2016 vào đầu tháng 3/2016. Đồng thời bộ phận công nghệ thông tin của Sở tổ chức tập huấn về công tác lập hồ sơ thi cho các đơn vị để việc lập hồ sơ thi đảm bảo tính chính xác về thông tin nhân thân học sinh cũng như nguyện vọng đăng ký dự thi, xét tuyển.
Tổ chức thi thử tốt nghiệp (8 môn) trước kỳ thi THPT quốc gia 2 tuần để các trường rút kinh nghiệm điều chỉnh nội dung ôn thi trong thời gian còn lại.
Sở GD&ĐT thường xuyên kiểm tra công tác dạy và học ở các trường để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời.
Cùng với việc sẽ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức 2 cụm thi tại tỉnh (cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp), với đặc điểm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển nên Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường làm tốt công tác tư vấn đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và sở thích của từng học sinh để việc trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ đạt hiệu cao nhất.
Một trong những nội dung quan trọng ảnh hưởng đến kết quả thi THPT quốc gia là công tác ôn tập. Ông có thể chia sẻ những chỉ đạo của Sở GD&ĐT Kon Tum liên quan đến công tác này?
- Với các trường THPT, PTDTNT, các trung tâm GDTX, Sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học (đặc biệt trong tháng 6/2016).
Các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức theo tinh thần Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH ngày 30/12/2010 về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại hướng dẫn nhiệm vụ năm học, trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.
Đối với môn ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Các trường xây dựng chương trình, nội dung dạy học phù hợp với đối tượng học sinh chỉ thi tốt nghiệp và học sinh thi 2 mục tiêu.
Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn, tư vấn việc dự thi theo cụm thi; cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập.
Đặc biệt, cần quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!